Tương Đông Vương Tiêu Dịch Nhà_Lương

Địa thế Hình Châu lúc này trở nên quan trọng, và Tương Đông Vương Tiêu Dịch (508–555), người con thứ 7 của Lương Vũ Đế trấn thủ Hình Châu bắt đầu có ý định xưng đế. Khi lên 6 tuổi, Tiêu Dịch đã được phong tước vương. Tiêu Dịch đồng thời là Đô đốc các châu Hình, Ung, Tương, Ty, Trình, Ninh, Lương, Nam Bắc Tần, Trấn Tây Tướng quân.

Địa phận do Tiêu Dịch quản lý gồm: Phía Đông kéo dài đến phần đất tiếp giáp giữa tỉnh Hồ Bắc và Giang Tây ngày nay; phía Nam đến biên giới Hồ Nam, Vân Nam; phía Bắc đến Tương Dương; phía Tây đến Hán Trung thuộc Thiểm Nam, những trấn trọng yếu thuộc thượng lưu sông Trường Giang đều nằm trong sự cai quản của Tiêu Dịch. Từ đời Đông Tấn đến nay, chính quyền Giang Đông đều dựa vào thế lực quân sự của hai châu Dương Châu và Hình Châu mà tồn tại, phát triển.

Năm 548, nghe tin Kinh thành Kiến Khang bị bao vây nhưng Tiêu Dịch không hề phái đại binh đến ứng cứu cha và anh mình. Khi Lương Vũ Đế bị vây, viện binh từ phía tây kéo sang đến 2, 3 chục vạn, nhưng Hình Châu chỉ phái đi vẻn vẹn 1 vạn kỵ binh và bộ binh đến tiếp viện Kiến Khang. Nhưng không lâu, Đài Thành bị Hầu Cảnh đánh chiếm, đoàn thủy quân Hình Châu bị Hầu Cảnh bắt hết, chỉ còn Vương Tăng Biện cùng mấy tướng lĩnh chạy thoát về Giang Lăng.

Lương Vũ Đế mất, con Vũ Đế ngoại trừ Tiêu Cương đã bị Hầu Cảnh quản thúc, chỉ còn người anh thứ ba của Tiêu Dịch là Thiệu Lăng Vương Tiêu Luân. Lúc Hầu Cảnh khởi binh làm phản, Luân giữ chức Bắc phạt Đại đô đốc thống lãnh ba quân đánh Hầu Cảnh. Đến khi Đài Thành bị phá, Tiêu Luân chạy đến Cối Kê, rồi từ Cối Kê chạy sang Trình Châu (Vũ Xương). Giờ đây, Luân là minh chủ đối địch với Hầu Cảnh. Tiêu Dịch lại sai Vương Tăng Biện dẫn 1 vạn thủy quân vây đánh Trình Châu hòng bắt Tiêu Luân. Tiêu Luân phải chạy đến Hán Đông.

Lúc này Tây Ngụy phái Đại tướng Dương Trung tiếp quản Hán Đông. Tiêu Dịch sai sứ đi gặp Tây Ngụy thương lượng cắt đất với mục đích nhờ Tây Ngụy tiêu diệt Tiêu Luân. Dưới sự chỉ huy của Dương Trung, quân Tây Ngụy đã bắt sống được Tiêu Luân, sau đó giết chết vất thây Tiêu Luân bên bờ sông. Tây Ngụy chiếm đất Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu của Lương.